Loading...
Skip to main content

BÀI VIẾT TRAO ĐỔI NGHIỆP VỤ

(24/03/2023 15:43)

Có phải tranh chấp về quyền hưởng dụng?

image

Quyền hưởng dụng không hoàn toàn là một quy định mới trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Trước đây, trong nền pháp luật cận đại, tại Bộ Dân luật Bắc Kỳ năm 1931, Bộ Dân luật Trung Kỳ năm 1936 và Bộ dân luật Sài Gòn năm 1972 đều có những quy định về quyền hưởng dụng1. Đến pháp luật hiện đại Việt Nam, tại Bộ luật dân sự năm 1995 và năm 2005 không có bất cứ quy định nào liên quan đến quyền hưởng dụng. Nhưng Bộ luật dân sự năm 2015 quyền hưởng dụng được ghi nhận trở lại bằng các quy định cụ thể từ Điều 257 đến Điều 266 và được đặt tại Mục 2 Chương XIV phần quy định về quyền khác đối với tài sản cùng với quyền đối với bất động sản liền kề và quyền bề mặt.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đối với pháp luật Việt Nam hiện nay thì quyền hưởng dụng là một quyền năng hoàn toàn mới và có giá trị thiết thực trong cuộc sống hiện đại khi có rất nhiều giao dịch dân sự diễn ra ngày một phức tạp hơn. Đây là một trong những quy định mới mang tính chất đột phá và được coi là quan trọng nhất trong thực tiễn giao dịch dân sự ngày nay. Có thể vì sự mới mẽ này là nguyên nhân phát sinh các quan điểm khác nhau trong việc xác định quan hệ tranh chấp về quyền hưởng dụng. Chẳng hạn như trường hợp sau:

Vào năm 2017, ông Nguyễn Văn A nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Văn C với diện tích 13.000m2, sau đó ông A được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CI 302 ngày 06/7/2017, thửa đất số 04, tờ bản đồ số 39, diện tích 13.000m2, loại đất ODT và CLN, vị trí đất tọa lạc tại ấp Ng, thị trấn T, huyện Đ, tỉnh S. Hướng Đông giáp con kênh thủy lợi (đã được san lấp mặt bằng) tiếp giáp đường N; Hướng Tây giáp của ông A; Hướng Nam giáp thửa phần còn lại của con kênh thủy lợi (đã được san lấp mặt bằng) tiếp giáp đường N; Hướng Bắc giáp thửa phần còn lại của con kênh thủy lợi (đã được san lấp mặt bằng) tiếp giáp đường N. Sau khi nhận chuyển nhượng diện tích đất nêu trên thì đến khoảng năm 2018 chính quyền địa phương có chủ trương cho người dân có phần đất liền kề với kênh thủy lợi được san lấp mặt bằng để sử dụng, thì ông A đã tiến hành san lấp mặt bằng có tổng diện tích 1.500m2 mà không ai phản đối hay cản trở gì. Đến khoảng tháng 10 năm 2020, ông B đến dựng chòi và trồng cây cũng như làm hàng rao trên phần đất 1.500m2 mà ông A đã san lấp (đất thuộc hành lang lộ giới). Sau đó ông A khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông B di dời công trình xây dựng, cây cối trên phần đất mà ông A đã san lấp (đất thuộc hàng lang lộ giới) để trả lại cho ông A quyền hưởng dụng diện tích đất này.

Với tình huống này, có hai quan điểm như sau:

Quan điểm thứ 1: Vụ việc trên là tranh chấp về quyền hưởng dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Tố tụng dân sự và Điều 257 Bộ luật Dân sự và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Bởi vì; diện tích đất nói trên thuộc hành lang lộ giới, thuộc quyền quản lý của nhà nước và đất ông A (phần đất 13.000m2) nằm liền kề phần đất ông A đã san lấp (đất thuộc hành lang lộ giới) nên ông A được quyền hưởng dụng đối với phần đất ông A đã san lấp (đất thuộc hành lang lộ giới). Vì vậy, ông A hoàn toàn có quyền yêu cầu ông B di dời cây trồng và công trình xây dựng trên đất để trả cho ông quyền hưởng dụng đối với diện tích đất ông A đã san lấp.

Quan điểm thứ 2: Vụ việc trên không phải là tranh chấp về quyền hưởng dụng. Bởi vì; thứ nhất: Phần đất ông A đã san lấp được xác định là đất thuộc hành lang lộ giới. Mà đất thuộc hành lang lộ giới thì không thuộc quyền sử dụng của Nhà nước mà thuộc về người đang sử dụng đất được pháp luật thừa nhận; thứ hai: Theo quy định tại Điều 257 và 258 Bộ luật dân sự 2015 thì quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định và được xác lập theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc. Nhưng trong tình huống trên thì phần đất ông A san lấp (đất thuộc hành lang lộ giới) chưa xác định được thuộc quyền sử dụng của chủ thể nào, nếu xác định được chủ thể có quyền sử dụng đất thì ông A chỉ có quyền hưởng dụng đối với diện tích đất ông A san lấp khi theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc. Rõ ràng trong tình huống này ông A chưa phát sinh quyền hưởng dụng đối với diện tích đất ông A san lấp.

Qua hai quan điểm trên, tác giả thống nhất với quan điểm thứ hai. Để lý giải cho việc thống nhất với quan điểm thứ hai, tác giả xin phân tích về khái niệm và căn cứ phát sinh quyền hưởng dụng như sau:

Khái niệm quyền hưởng dụng: Theo quy định tại Điều 257 BLDS năm 2015 “Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định”. Theo định nghĩa này thì quyền hưởng dụng được hiểu như sau: Chủ thể có quyền hưởng dụng không phải là chủ sở hữu của tài sản nhưng được hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản của chủ sở hữu tương tự như chủ sở hữu, trong một thời hạn nhất định. Có thể thấy, nội dung của quyền hưởng dụng giống như nội dung của quyền sử dụng trong quyền sở hữu tài sản. Quyền hưởng dụng có thời hạn nhất định. Tùy từng trường hợp, thời hạn hưởng dụng được xác định theo thỏa thuận hoặc được pháp luật quy định hay được ấn định trong di chúc. Khi hết thời hạn này thì chấm dứt quyền hưởng dụng, chủ thể hưởng dụng phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu.

Các căn cứ xác lập quyền hưởng dụng: Theo quy định tại Điều 258 BLDS 2015 “Quyền hưởng dụng được xác lập theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc”. Căn cứ vào quy định này, quyền hưởng dụng được xác lập dựa trên một trong 3 căn cứ: Luật định, thỏa thuận hoặc theo di chúc.

Xác lập theo quy định của pháp luật. Quyền hưởng dụng được xác lập theo quy định của pháp luật là những trường hợp cụ thể mà theo quy định của pháp luật thì một chủ thể được khai thác, sử dụng tài sản của một chủ thể khác mà giữa họ không có giao kết hợp đồng hoặc theo di chúc. Hiện nay, ở Việt Nam không có bất kỳ quy định cụ thể nào một chủ thể được quyền khai thác, sử dụng tài sản của một chủ thể khác mà giữa họ không có giao kết hợp đồng hoặc theo di chúc.

Xác lập theo thỏa thuận. Quyền hưởng dụng được xác lập theo thỏa thuận là trường hợp chủ sở hữu tài sản thỏa thuận để chủ thể khác được xác lập quyền hưởng dụng trên tài sản của mình. Thỏa thuận xác lập quyền hưởng dụng tài sản cần thỏa mãn các điều kiện về chủ thể, đối tượng, nội dung, hình thức, thủ tục theo luật định. Bởi vì, thỏa thuận xác lập quyền hưởng dụng cũng chính là một hợp đồng. Mà hợp đồng hưởng dụng là hợp đồng dân sự nên có nội dung của một hợp đồng dân sự.

Xác lập theo di chúc. Quyền hưởng dụng được xác lập theo di chúc là trường hợp một cá nhân là chủ sở hữu tài sản lập di chúc chỉ định người được hưởng quyền hưởng dụng đối với tài sản của mình sau khi người đó chết. Ví dụ, bà A có 2 người con là B và C, nhưng C bị nghiện ma túy. Bà A có tài sản là một căn nhà. Hiện bà A và B với C đang ở trong căn nhà này. Bà A có nguyện vọng sau khi bà chết thì căn nhà này sẽ thuộc quyền sở hữu của B, còn C sẽ được sử dụng căn nhà này cho đến khi C qua đời vì nếu cho C thì sợ C bán để mua ma túy. Để thực hiện được nguyện vọng của mình thì bà A có thể lập di chúc rằng: Sau khi bà A chết thì căn nhà sẽ được chuyển quyền sở hữu cho B nhưng C sẽ được quyền hưởng dụng căn nhà này cho đến khi C qua đời.

Qua phân tích về khái niệm và căn cứ phát sinh quyền hưởng dụng nêu trên thì có thể thấy rằng đối tượng tranh chấp về quyền hưởng dụng là tranh chấp về giao dịch, thời hạn, quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác. Do đó tranh chấp trong trường hợp nêu trên, thì quyền sử dụng diện tích đất ông A san lấp (đất thuộc hành lang lộ giới) chưa xác định được là của ai. Đồng thời, ông A cũng chưa có căn cứ phát sinh quyền hưởng dụng đối với diện tích đất đó. Do đó, theo tác giả thì trường hợp tranh chấp nêu trên không phải là tranh chấp về quyền hưởng dụng.

Trên đây là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ bạn đọc./.

Sa The - TAND huyện Trần Đề

*1 Mối quan hệ giữa quyền hưởng dụng và quyền sở hữu tài sản dưới góc nhìn so sánh, tác giả Đoàn Thị Phương Diệp và Nguyễn Thị Vy Quý - Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.


Ý kiến bạn đọc

0 Bình luận

Ý kiến bình luận

Đổi mã xác nhận

Các tin khác

Lượt xem: 170
cdscv